Từ trước đến nay, người ta vẫn cho rằng túi nilon là có nhiều tác động xấu nhất cho môi trường. Tuy nhiên đi sâu vào nghiên cứu thì sự thật có phải như vậy? Túi nilon, túi giấy, túi vải: dùng túi mua sắm loại nào mới là tốt nhất? Sử dụng túi giấy có tốt? Có nên in túi đựng giấy? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm câu trả lời nhé.
Túi nilon, túi giấy, túi vải: dùng túi nào tốt hơn?
Theo quan niệm từ trước tới nay, người ta vẫn cho rằng việc dùng túi nilon sẽ gây tác động xấu nhất tới môi trường (so với túi giấy, túi vải). Tuy nhiên khi đi sâu vào nghiên cứu thì sự thật hoàn toàn ngược lại. Vậy sự thật là gì?
Chúng ta cần quay lại phân tích vòng đời của một chiếc túi lần lượt bằng 3 chất liệu: nilon - giấy - vải cotton. Vòng đời này bao gồm từ khi chiếc túi nilon / túi giấy/ túi vải còn là nguyên liệu thô - qua tinh chế - gia công - sản xuất - đóng gói - vận chuyển - phân phối - sử dụng - tái sử dụng - tái chế và khâu xử lý cuối cùng.
Trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu và so sánh các vòng đời này.
Vòng đời của túi nilon

Túi nilon được phát minh vào năm 1967. Nó được làm bằng polyetylen mật độ cao (HDPE). Một số làm bằng nhựa polyetylen mật độ thấp (LDPE). Năng lượng để làm ra các túi nilon phải kể đến các nguyên liệu thô cần thiết như khí đốt tự nhiên và dầu mỏ. Và việc khai thác các nguyên liệu thô này cũng đòi hỏi rất nhiều năng lượng.
Việc tinh chế các nguyên liệu thô cũng siêu siêu tốn năng lượng. Tại một cơ sở chế biến, các nguyên liệu thô được xử lý và trải qua quá trình trùng hợp để tạo ra các khối bằng nhựa. Những hạt nhựa polyetylen nhỏ này có thể được trộn với chip polyetylen tái chế. Sau đó, chúng được vận chuyển bằng xe tải, xe lửa hoặc tàu đến các cơ sở sản xuất.
Tại đây sẽ có một máy đùn tạo hình nhựa thành một màng mỏng. Nhựa được làm phẳng, cắt thành từng mảnh. Tiếp theo, nó được gửi đến các nhà sản xuất để làm thành túi. Các túi nilon sau đó được đóng gói và vận chuyển tới các nhà cung cấp trên khắp thế giới.
Vòng đời của túi giấy

Túi giấy được làm từ một nguồn tài nguyên tái tạo và có thể phân hủy sinh học. Ở Mỹ, hơn 10 tỷ túi giấy được tiêu thụ/ năm và phải chặt hạ 14 triệu cây.
Sau khi cây bị chặt, gỗ được chuyển đến một nhà máy mà có khi phải đợi 3 năm cho đến khi gỗ khô. Sau đó vỏ cây bị tước bỏ và gỗ được cắt thành những khối vuông, chịu nhiệt độ và áp suất cao. Tiếp đó nó được trộn với đá vôi và axit sunfuric cho đến khi hỗn hợp này trở thành bột giấy. Bột giấy được rửa bằng nước sạch và thuốc tẩy, sau đó được ép vào giấy, cắt, in, đóng gói và vận chuyển.
Theo kết quả phân tích của Washington Post, việc sử dụng nhiều hóa chất độc hại trong quá trình này gây ô nhiễm không khí gấp 70 lần và ô nhiễm nước gấp 50 lần so với sản xuất túi nilon. Nó cũng dẫn đến độc tính cho con người và môi trường nhiều hơn so với túi nilon HDPE.
Đặc biệt hơn là, khi 66% giấy và bìa được tái chế, thì quá trình tái chế đòi hỏi các hóa chất bổ sung để loại bỏ mực và đưa giấy trở lại bột giấy. Điều này tiếp tục dẫn đến các tác động môi trường.
Vòng đời của túi vải

Túi vải được làm từ một nguồn tài nguyên tái tạo và có thể phân hủy sinh học. Chúng cũng mang nặng được, lại bền nên có thể được tái sử dụng nhiều lần.
Trước tiên, bông cần phải được thu hoạch, sau đó trải qua quá trình kéo dài, tách bông ra khỏi thân và lá. Chỉ 33% bông thu hoạch có thể sử dụng. Bông thu hoạch xong, được đóng kiện và chuyển đến nhà máy để kéo thành sợi. Các sợi bông được dệt thành vải, sau đó trải qua quá trình giặt hóa học và tẩy trắng, sau đó nó cũng có thể được nhuộm và in. Kéo sợi, dệt và các quy trình sản xuất khác đều rất tốn năng lượng. Rửa, tẩy, nhuộm, in, v.v… sử dụng một lượng lớn nước và điện.
Nhiều nghiên cứu phát hiện vải có tác động xấu nhất đến môi trường trong tất cả các loại túi. Để có bông thu hoạch thì cần phải có đất, lượng nước lớn, phân bón hóa học và thuốc trừ sâu để phát triển. Việc sử dụng và sản xuất phân bón góp phần đáng kể vào hiện tượng phú dưỡng. Thu hoạch, chế biến và vận chuyển bông ra thị trường đều cần một lượng năng lượng lớn.
Túi vải nặng, cồng kềnh nên giá vận chuyển cao hơn. Ngoài ra, rất khó tái chế vì việc tái chế dệt may ở Mỹ bị hạn chế. Do đó, một túi vải cần được sử dụng 7.100 lần mới bằng với túi nilon.
Túi làm từ bông hữu cơ, được trồng mà không có thuốc trừ sâu thậm chí còn tác động xấu hơn đối với môi trường. Năng suất bông hữu cơ ít hơn 30% so với bông thường, nên cần thêm 30% nước và đất để sản xuất ra một lượng như bông thường. Túi này phải sử dụng 20.000 lần mới bằng với một chiếc túi nilon.
Kết luận
Kết quả đưa ra là: Trong 3 loại túi trên, túi nilon là loại túi có tác động xấu ít nhất tới môi trường. (Kết quả này không tính đến việc xả rác thải ra môi trường, vì túi nilon nhẹ, dễ bay, dễ phát tán ra khắp mọi nơi trên thế giới. Ngoài ra túi nilon rất mất thời gian để phân hủy. Các mảnh túi nilon sau khi vỡ nhỏ ra lại phát tán ở khắp nơi, ở trong bụng động vật, gây hại cho động vật…).
Túi nilon là loại túi mỏng, gọn nhẹ nhưng không bền. Túi giấy thì bền hơn nhưng nặng hơn túi nilon. Túi vải bền hơn túi giấy nhưng nặng hơn túi giấy. Nhưng cũng theo phân tích vòng đời thì cứ loại túi bền hơn sẽ được làm bằng vật liệu nặng hơn. Điều này đồng nghĩa với loại túi càng bền càng thiệt hại nhiều tài nguyên hơn trong sản xuất và xử lý. Dẫn đến tác động lớn hơn tới môi trường.
Tính ra, về mặt tổng thể thì dùng túi vải, túi giấy có hại hơn túi nilon nếu tất cả các loại túi này chỉ dùng một lần.
Tại sao nên dùng túi giấy nhiều lần?
Từ câu chuyện phía trên, kết luận là, để bảo vệ môi trường thì bạn nên dùng lại một chiếc túi (bất cứ chất liệu nào) nhiều lần nhất có thể. Nó giúp vừa không xả rác vào môi trường, vừa không làm hao tốn nhiên/ nguyên liệu thô trong quá trình sản xuất (vẹn cả đôi đường). Đồng thời điều này cũng giúp tiết kiệm thời gian để chế tạo, sản xuất một chiếc túi.
Xu hướng hiện nay và trong tương lai: nhiều doanh nghiệp khi đưa sản phẩm ra thị trường, tới tay người tiêu dùng cũng đang hướng tới sử dụng các loại túi đựng bằng giấy cao cấp và có thể tái sử dụng được.
Việc in túi giấy cao cấp, in túi giấy đựng giày, in túi giấy đựng hoa quả, in túi giấy đựng cà phê… sẽ trở thành phương cách để đưa hình ảnh thương hiệu các sản phẩm đến với người tiêu dùng 1 cách dễ dàng nhất. In túi giấy, chăm chút đến từng chi tiết in, thiết kế cũng là cách để nâng tầm giá trị sản phẩm, tạo sức cạnh tranh trên thị trường.
Không những vậy, việc in túi giấy tái sử dụng được sẽ giúp việc giới thiệu hình ảnh thương hiệu sản phẩm hiệu quả hơn. Ngoài ra nó cũng vừa tiết kiệm, thân thiện với môi trường, đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.